Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chuyển đến theo Công văn số 602/UBDNGS15 ngày 21/5/2025.
Nội dung kiến nghị như sau:
Cần có thêm các giải pháp quyết liệt để khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, đồng thời điều chỉnh chính sách theo hướng linh hoạt, dễ tiếp cận, đúng đối tượng nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản phẩm nhà ở xã hội, giúp người dân có nhiều cơ hội được sở hữu nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động;
Có hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện để người dân theo đối tượng mua nhà ở xã hội sớm được tiếp cận với nguồn cung sản phẩm (vì theo điểm c khoản 1 Điều 38 Nghị định số 100/2024/NĐ-CP đối với người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, không có hợp đồng lao động, lao động tự do thì việc chứng minh thu nhập là rất khó khi thực tế UBND xã phường nơi người dân sinh sống cũng không thể xác định thu nhập hay hoàn cảnh của từng cá nhân nếu không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn do phường quản lý và hỗ trợ) (cử tri các quận: Đống Đa, Thanh Xuân).
Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
Ngày 29/5/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 201/2025/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, có hiệu lực thi hành ngày từ 01/6/2025.
Theo đó, nhiều nội dung của Nghị quyết đã kịp thời điều chỉnh chính sách nhà ở xã hội theo hướng linh hoạt, dễ tiếp cận đối với các nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người dân có nhiều cơ hội sở hữu hoặc thuê nhà ở, đặc biệt là các nhóm chính sách nhằm cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường giám sát theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 68- NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị, cụ thể như sau:
Không thực hiện thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư mà thực hiện giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu. Theo đó, cắt giảm được khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% thời gian thực hiện so với quy định hiện hành.
Không yêu cầu thực hiện bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, theo đó cắt giảm được 65 ngày so với quy định hiện hành (bằng 100%).
Bỏ thủ tục thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, theo đó cắt giảm được từ 15 - 35 ngày so với quy định hiện hành (100%).
Không yêu cầu thực hiện quy trình đấu thầu rộng rãi đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng mà được áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn, theo đó cắt giảm được từ 45 - 105 ngày so với quy định hiện hành (75-90%).
Miễn giấy phép xây dựng đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, theo đó cắt giảm được 20 - 30 ngày so với quy định hiện hành (100%).
Không yêu cầu thẩm định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh mà do chủ đầu tư tự xây dựng, phê duyệt; sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán, quyết toán và gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh để kiểm tra. Theo đó, quy định này cắt giảm được ít nhất 30 ngày so với quy định hiện hành (100%)
Với việc điều chỉnh chính sách theo hướng linh hoạt và kịp thời nói trên cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản phẩm nhà ở, đáp ứng nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội của người dân.
Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri các quận Thanh Xuân, Đống Đa, thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đối với ngành Xây dựng trong thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong thời gian tới.
Trên đây là trả lời của Bộ Xây dựng đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để thông tin tới cử tri.