Theo đó, thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Thông tư số 07/2021/TT-BTP ngày 01/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc ban hành thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Xây dựng cung cấp thông tin phục vụ xây dựng Thông cáo báo chí như sau:
1. Tên văn bản quy phạm pháp luật
Nghị định số 123/2025/NĐ-CP ngày 11/6/2025 của Chính phủ quy định chi tiết về thiết kế kỹ thuật tổng thể và cơ chế đặc thù cho một số dự án đường sắt.
2. Hiệu lực thi hành
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (ngày 11/6/2025).
3. Sự cần thiết, mục đích ban hành
3.1. Sự cần thiết
a) Cơ sở chính trị, pháp lý:
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam; Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định đường sắt là một trong những lĩnh vực vận tải cần ưu tiên đầu tư. Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã nêu rõ: “Khẩn trương rà soát, sửa đổi, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với mục tiêu xây dựng công nghiệp hiện đại đến năm 2030, nhất là chính sách, pháp luật về đầu tư công, quy hoạch, đối tác công - tư, ngân sách nhà nước, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số...;hoàn thiện mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD);…”.
- Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Chính phủ ban hành Nghị định để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án.
b) Cơ sở thực tiễn: Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đã có các quy định chi tiết về quản lý hoạt động xây dựng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng. Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi thực hiện lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (sau đây gọi tắt là thiết kế FEED) tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng cũng như triển khai các cơ chế đặc thù khác đã được cho phép tại các Nghị quyết Quốc hội, cần thiết phải sửa đổi các quy định về khảo sát xây dựng, nội dung lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế FEED. Bên cạnh đó, do đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị đều là các lĩnh vực mới, các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm làm công trình tương tự theo quy định hiện hành tại Nghị định số 175/2024/NĐ-CP, yêu cầu về năng lực của tổ chức, cá nhân đối với lĩnh vực đường sắt cần xem xét, sửa đổi để có thể huy động tối đa lực lượng các nhà thầu trong nước, nước ngoài có đủ năng lực tham gia dự án.
3.2. Mục đích
- Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về ưu tiên phát triển vận tải đường sắt.
- Cụ thể hoá nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết Quốc hội: Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày
19/02/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Nội dung chủ yếu
4.1. Về bố cục của Nghị định
Nghị định gồm 07 chương và 63 Điều, cụ thể như sau:
- Chương I. Quy định chung
- Chương II. Các quy định chi tiết đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
- Chương III. Các quy định chi tiết đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
- Chương IV. Các quy định chi tiết đối với các Dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh
- Chương V. Quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt
- Chương VI. Quản lý hợp đồng, quản lý năng lực hoạt động xây dựng, kiện toàn ban quản lý dự án, quyền và nghĩa vụ các bên tham gia dự án
- Chương VII. Điều khoản thi hành
4.2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
a) Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một số điều tại các Nghị quyết Quốc hội về dự án đường sắt, cụ thể:
- Điểm a, b khoản 4, khoản 9, điểm b khoản 10, khoản 13, điểm a khoản 14, khoản 15, khoản 16, khoản 19 Điều 3 Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam;
- Điểm a, b khoản 3, điểm b khoản 8, điểm a khoản 11, khoản 12, khoản 15, khoản 16, khoản 18 Điều 3 Nghị quyết số 187/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng;
- Các biện pháp thi hành để thực hiện các Nghị quyết Quốc hội cho dự án đường sắt.
b) Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng tại Việt Nam trong việc triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt quy định tại Nghị định này để thực hiện các dự án đường sắt quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương tại Nghị quyết số 172/2024/QH15, Nghị quyết số 187/2025/QH15; dự án đường sắt đô thị tại Nghị quyết số 188/2025/QH15.
4.3. Nội dung chủ yếu của Nghị định
Nghị định này quy định các nội dung chủ yếu như sau:
- Nguyên tắc và các quy định chung trong thực hiện các dự án đường sắt, trong đó bổ sung quy định về lập, phê duyệt dự toán đối với các hoạt động được cho phép thực hiện trước khi phê duyệt dự án tại Nghị quyết Quốc hội; nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
- Các quy định chi tiết đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam gồm: khảo sát xây dựng đối với trường hợp lập thiết kế FEED tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; nhiệm vụ, yêu cầu, nội dung thiết kế FEED; nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trong đó quy định về báo cáo giữa kỳ của Báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, hướng tuyến, vị trí công trình trên tuyến, các hồ sơ cần bổ sung theo cơ chế đặc thù của dự án đường sắt tốc độ cao; quy định về thẩm tra, thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước; việc phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế xây dựng; quy định về xác định tổng mức đầu tư, các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết của Quốc hội trong tham khảo, sử dụng cơ sở dữ liệu về định mức, đơn giá, dữ liệu các công trình, dự án đường sắt trên thế giới; quy định về dự toán gói thầu EPC, EC, EP xác định theo thiết kế FEED.
- Các quy định chi tiết đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng gồm: quy định việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại Dự án hỗ trợ kỹ thuật; thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án; tổng mức đầu tư xây dựng, việc xác định các thành phần chi phí, dự toán gói thầu xây dựng; quy định việc thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án được lập song song, đồng thời với quá trình lập thiết kế cơ sở; lựa chọn nhà thầu tư vấn tham gia dự án.
- Các quy định chi tiết đối với các dự án đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh gồm: khảo sát xây dựng đối với trường hợp lập thiết kế FEED tại Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; nhiệm vụ, yêu cầu, nội dung thiết kế FEED; nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; quy định về thẩm tra, thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư, phê duyệt, điều chỉnh dự án, thiết kế xây dựng; quy định về xác định tổng mức đầu tư, các cơ chế đặc thù tại Nghị quyết của Quốc hội trong tham khảo, sử dụng cơ sở dữ liệu về định mức, đơn giá, dữ liệu các công trình, dự án đường sắt trên thế giới; quy định về dự toán gói thầu EPC, EC, EP xác định theo thiết kế FEED.
- Nguyên tắc, thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt; việc điều chỉnh, cập nhật các quy hoạch có liên quan; quy định về quản lý hợp đồng EPC, EC, EP; quản lý năng lực hoạt động xây dựng, kiện toàn Ban quản lý dự án; quyền và trách nhiệm các bên tham gia chuẩn bị và thực hiện dự án.
Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_6822-BXD-KTQLXD_16072025.pdf