Nghiệm thu đề tài: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

Thứ năm, 11/04/2013 09:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 10/4/2013, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học kỹ thuật chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu đề tài: “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị” do TS. KTS Lưu Đức Cường – Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị - Nông thôn làm chủ nhiệm đề tài.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Nguyễn Việt Dũng đã báo cáo tóm tắt kết quả của đề tài. Theo nội dung báo cáo, mục tiêu chính của đề tài là rà soát, đánh giá hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị; nhận dạng và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ Tài Nguyên & Môi trường; đề xuất các giải pháp ứng phó với BĐKH cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho hệ thống hạ tầng đô thị.

5 đô thị được chọn để thực hiện hiện nghiên cứu là: đô thị loại V Thịnh Long - Nam Định, thành phố Huế, thành phố Hội An, thành phố Rạch Giá và thành phố Vị Thanh, đây đều là những đô thị nằm trong vùng ảnh hưởng nặng theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Việt Nam, thuộc vùng ven biển, cửa sông, đồng bằng ngập lũ, mang tính đại diện cho các cấp đô thị, đều có tính nhạy cảm với môi trường.

Qua nghiên cứu và đánh giá cho thấy: Các đô thị thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các hiện tượng thiên tai bão lũ thất thường, biển xâm thực mạnh làm ảnh hưởng tới hạ tầng giao thông, đê biển, hệ thống thoát nước. Đối với khu vực Nam Bộ, dưới tác động của BĐKH từ nguồn nước, hệ thống cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, hệ thống thoát nước đều chịu ảnh hưởng và sẽ gia tăng hơn khi kết hợp với nước biển dâng. Ngoài ra, do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các vùng còn thiếu đồng bộ và năng lực phục vụ kém nên khi có tác động của BĐKH sẽ càng trầm trọng hơn, đồng thời, công tác quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng đối với nền xây dựng đô thị cũng còn nhiều bất cập, cùng với năng lực thích ứng của các địa phương và sự quan tâm của chính quyền địa phương tới ứng phó với BĐKH còn chưa cao. Do đó giải pháp để ứng phó với BĐKH là nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu xây dựng hạ tầng có khả năng chống chịu với mưa lớn, nắng nóng và nguy cơ ăn mòn bởi nước mặn làm giảm tuổi thọ công trình cũng như tăng khả năng thấm nước nhanh, rà soát, điều chỉnh lại các tiêu chuẩn thiết kế hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện khí hậu cùng miền cũng như các kịch bản BĐKH, xây dựng hệ thống kè, đê cao, tường chắn sóng tại những khu vực xung yếu, thiết lập hệ thống hành lang bảo vệ bảo vệ an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà soát triển khai các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị có lồng ghép các yếu tố BĐKH.

Các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá cao nội dung của đề tài này cùng với những nỗ lực của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, theo các ý kiến góp ý của Hội đồng, nhóm nghiên cứu cần có các tiêu chí chung đánh giá cho 5 đô thị theo đúng các thuật ngữ chuyên ngành để những đô thị khác có thực trạng tương tự lấy làm cơ sở đánh giá cho khu vực mình. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cần sửa đổi cách dùng từ cho đúng thuật ngữ chuyên ngành; thống nhất về bảng biểu, tên vùng cho chuẩn xác; cần bổ sung phần phụ lục điều tra, khảo sát ảnh hưởng của BĐKH tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại 5 đô thị vào trong đề tài.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ KHCN & MT, nhóm nghiên cứu ngoài việc sửa đổi bổ sung nội dung theo ý kiến góp ý của các thành viên trung Hội đồng, còn phải phân tích và đánh giá sâu hơn ảnh hưởng của BĐKH tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại 5 đô thị. Cần thiết bổ sung các phiếu (phụ lục) điều tra khảo sát vào trong đề tài, để đề tài được hoàn thiện hơn.

Đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại Khá./.

Bích Ngọc
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)