Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành, nhất là khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực, đa phần người dân đã nâng cao nhận thức, tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, địa bàn một số khu vực vùng cao, nông thôn, tình trạng người dân vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn ra phổ biến.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở vượt số người theo quy định... là hình ảnh không khó bắt gặp ở các tuyến đường khu vực nông thôn, xã vùng cao. Không chỉ người lớn, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông cũng có hành vi lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là thời gian đêm khuya diễn ra rất phức tạp.

Một bộ phận người dân di chuyển trên tuyến đường nội bản xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) chưa tuân thủ quy định đảm bảo an toàn giao thông.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư, đem lại sự thay đổi tích cực ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Giao thông đi lại thuận lợi, đời sống người dân được nâng cao, xe máy trở thành phương tiện thông dụng để đi lại và phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa. Thế nhưng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế, dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.
Ông Lò Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) cho biết: Không phủ nhận ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã có sự chuyển biến đáng kể, song vẫn còn nhiều người dân cố tình vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ. Không ít người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có giấy tờ, thủ tục, không đội mũ bảo hiểm. Hoặc có chấp hành nhưng theo kiểu chống đối, có lực lượng chức năng thì chấp hành, còn không tiếp tục vi phạm.
Khắc phục tình trạng trên, cùng với triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng văn hóa giao thông tại các khu dân cư; xây dựng và nhân rộng tổ dân phố, khu dân cư tự quản; đoạn đường tự quản về an toàn giao thông, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông”… Thông qua các hoạt động đó giúp người dân nhận ra việc đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi người và tự giác chấp hành.
Với đối tượng là học sinh, thanh thiếu niên, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở phụ huynh quản lý giờ giấc, phương tiện, quản lý chặt chẽ học sinh và con em mình. Ðặc biệt, để hạn chế thấp nhất tình trạng vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong học đường, Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới học sinh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhất là trường ở vùng cao phối hợp với cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn học sinh lái xe an toàn.
Những nỗ lực của cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người tham gia giao thông được thể hiện rất rõ với nhiều giải pháp và hoạt động cụ thể. Do vậy, các tuyến đường có được bình yên hay không, phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành quy tắc giao thông của mỗi người dân. Mỗi người dân cần nêu cao vai trò trách nhiệm, tự mình nâng cao nhận thức, ý thức để trở thành người tham gia giao thông văn minh, văn hóa, vì sự sống, sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.