Thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, tỉnh Yên Bái đã tập trung mọi nguồn lực, với quyết tâm cao nhất đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát vào cuối tháng 6 năm nay.
Với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngay từ đầu năm 2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai, huy động mọi nguồn lực để chương trình về đích đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Gia đình bà Hà Thị Mai ở thôn Khe Ngang, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên được hỗ trợ 60 triệu đồng theo Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh.

Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Yên Bình
Bà Hà Thị Mai chia sẻ: "Nhiều năm nay, gia đình tôi ở trong ngôi nhà xuống cấp. Mỗi khi trời mưa, cả gia đình lại nơm nớp lo sợ. Sau khi rà soát, gia đình tôi được hỗ trợ tiền cùng với sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con trong thôn. Hiện nay, gia đình tôi đang xây dựng được ngôi nhà cấp 4 với diện tích gần 100m2. Dự kiến trong tháng 4 này, ngôi nhà sẽ hoàn thành. Đây là động lực rất lớn để gia đình tôi ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế để thoát nghèo”.
Cán bộ cơ sở đã có nhiều cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tế để vận động, tuyên truyền các hộ nghèo nắm bắt cơ hội, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Triển khai thực hiện xóa nhà dột nát năm 2025, tỉnh Yên Bái đã ban hành các nghị quyết, chính sách, đề án, kế hoạch, huy động các nguồn lực xã hội hóa trong triển khai hỗ trợ làm nhà; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị phụ trách và giúp đỡ từng địa bàn xã đặc biệt khó khăn.
Trên cơ sở nguồn lực ngân sách Trung ương hỗ trợ, đặc biệt là nguồn lực thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương, tỉnh Yên Bái đã lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ thuộc các chương trình, dự án của Trung ương với nguồn lực từ ngân sách tỉnh và các nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án; trong đó, nguồn xã hội hóa chiếm trên 70%.
Tỉnh đã kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ thêm kinh phí cho tỉnh Yên Bái thực hiện mục tiêu xóa nhà dột nát; hỗ trợ kết hợp làm đồng bộ nhà ở với công trình vệ sinh; chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn về quy trình triển khai hỗ trợ nhà ở; giao Sở Xây dựng ban hành các mẫu thiết kế nhà ở phù hợp với từng địa bàn, tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở đảm bảo diện tích tối thiểu trên 30m2, đảm bảo "3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng), đảm bảo độ bền chắc của công trình, tuổi thọ công trình từ 20 năm trở lên.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cho cấp huyện phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương (hội phụ nữ, hội nông dân, Đoàn thanh niên…) hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân làm nhà, tận dụng cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư về nhân công, nguyên vật liệu nhằm giảm giá thành xây dựng; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc để đảm bảo tiến độ, chất lượng nhà ở.
Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo, từ đó tạo sự thay đổi trong nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về giảm nghèo, khơi dậy ý chí tự giác, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể qua các năm đã có nhiều hộ nghèo làm đơn tự nguyện thoát nghèo; khơi dậy sự đồng lòng, chia sẻ của cộng đồng với tinh thần "tương thân, tương ái” đối với người nghèo…
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ các hộ dân khởi công làm nhà đảm bảo tiến độ hoàn thành trong tháng 6/2025, chỉ đạo cấp phát kịp thời kinh phí cho các địa phương theo tiến độ khởi công làm nhà; thành lập các đoàn của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tại các địa phương; đồng thời, chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, trường hợp phát sinh số hộ cần hỗ trợ thì giao các địa phương chủ động huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho các hộ dân làm nhà đảm bảo hết năm 2025. Việc có nơi ở kiên cố không chỉ giúp các hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn thắp sáng niềm tin và hy vọng trên hành trình vươn lên xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 với mục tiêu hỗ trợ làm 2.208 nhà, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa. Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến khoảng 120,7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa; phấn đấu hoàn thành trước 30/6. Tính đến ngày 21/4, toàn tỉnh đã khởi công được 2.204/2.208 nhà, đạt 99,9% kế hoạch, trong đó có 1.165 nhà đã hoàn thành, đạt 52,8%.
Một số địa phương đã tích cực khởi công làm nhà, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện của toàn tỉnh, như: huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu, huyện Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái có 100% số nhà được khởi công. Các địa phương đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm hoàn thành mục tiêu kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6.