Trải qua 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bằng tư duy sáng tạo, cách làm đổi mới, cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung sức, đồng lòng của người dân, Đồng Tháp đã chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp về hạ tầng, thu nhập, điều kiện sống, trở thành địa phương hoàn thành toàn diện, về đích sớm và nổi bật với những sáng kiến riêng có. Diện mạo nông thôn của tỉnh đã khoác lên mình diện mạo mới, từng bước hướng tới mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, Đồng Tháp gặp không ít khó khăn như: Xuất phát điểm thấp, hạ tầng yếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (14,05%), thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 12 triệu đồng/người/năm, bình quân mỗi xã chỉ đạt 7,16 tiêu chí nông thôn mới... Tuy nhiên, nhờ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân và cách làm sáng tạo, linh hoạt, Đồng Tháp từng bước vượt khó, đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng Tháp tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, giao thương sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương
Giai đoạn 2011-2024, người dân tự nguyện hiến hơn 867.700m² đất, đóng góp hơn 5.267 tỷ đồng, hàng triệu ngày công lao động để làm mới, sửa chữa 1.856 cây cầu, 3.076km đường, 632km kênh mương và 257km thắp sáng đường quê. Những con số biết nói ấy không chỉ phản ánh sự đồng thuận mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần tự quản, tự lực của cộng đồng.
Bức tranh kinh tế xã hội chuyển biến tích cực, quy mô GRDP năm 2024 đạt hơn 122.700 tỷ đồng, gấp 03 lần năm 2011, xếp thứ 06 vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng trưởng GRDP bình quân đạt 5,66%/năm, trong đó nông – lâm – ngư nghiệp tăng 4,15%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,5%, dịch vụ tăng 6,31%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 68 triệu đồng/người/năm, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%, dự kiến còn 0,88% vào năm 2025.
Cùng với đó, nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo được triển khai đồng bộ và có sức lan tỏa mạnh mẽ: Hội quán, Làng thông minh, du lịch nông nghiệp, sản xuất lúa sinh thái gắn với bảo tồn Sếu đầu đỏ, tuyến đường kiểu mẫu, làng quê đáng sống, dòng sông không rác, tuyến đường chuyển đổi số…
Đồng Tháp cũng đang dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng sản phẩm OCOP, với 581 sản phẩm được công nhận (1 sản phẩm 5 sao, 116 sản phẩm 4 sao), khẳng định vai trò của chương trình trong việc thúc đẩy kinh tế nông thôn, khai thác giá trị văn hóa – sản vật địa phương.
Qua đó, giúp Đồng Tháp hoàn thành 08/08 nội dung theo quy định tại Quyết định 321/QĐ-TTg và 125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới (Cao Lãnh, Hồng Ngự, Sa Đéc); tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 22,22% (huyện Cao Lãnh, Tháp Mười), vượt mức tối thiểu 20% theo quy định; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 50,87% (58/114 xã), cao hơn yêu cầu 40%, tất cả các xã đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mới.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Đồng Tháp không chỉ đạt chỉ tiêu về số lượng, mà còn tạo dựng chiều sâu về chất lượng. Đặc biệt, ý thức người dân về trách nhiệm cộng đồng, về môi trường và gìn giữ bản sắc quê hương ngày càng nâng cao.
Đồng Tháp hôm nay là minh chứng sống động cho một chương trình không đơn thuần là xây dựng kết cấu hạ tầng, mà là xây dựng niềm tin, văn hóa cộng đồng và một nông thôn mới thật sự “đáng sống - đáng về - đáng tự hào”.
Xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng, là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện và lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây không chỉ là mục tiêu, mà là quá trình thường xuyên, liên tục hướng đến phát triển nông thôn bền vững, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể.
Giai đoạn 2026 - 2030, Đồng Tháp tập trung thực hiện theo tiêu chí mới của Trung ương ban hành, xây dựng nông thôn mới gắn với sắp xếp đơn vị hành chính và phát triển chính quyền hai cấp; tiếp tục phát triển hệ sinh thái kinh tế số, nông nghiệp sinh thái, công nghiệp chế biến, dịch vụ; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thiết yếu nông thôn, kết nối đồng bộ với đô thị và vùng động lực; tăng cường chất lượng giáo dục, y tế, hành chính công; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý chương trình…
Đồng Tháp đặt quyết tâm trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nơi không chỉ xây dựng thành công nông thôn mới, mà còn kiến tạo nên một vùng quê đáng sống, giàu bản sắc, thịnh vượng và bền vững.