Bộ Xây dựng vừa có Công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đề nghị làm rõ nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với chi phí giải phóng mặt bằng điều chuyển sang chi phí khác chưa có cơ sở triển khai thực hiện và quy định rõ thẩm quyền, phê duyệt.
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 602/UBDNGS15ngày 21/5/2025, nội dung kiến nghị như sau:
“Đề nghị nghiên cứu, xem xét làm rõ nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với chi phí giải phóng mặt bằng điều chuyển sang chi phí khác chưa có cơ sở triển khai thực hiện và quy định rõ thẩm quyền, phê duyệt. Lý do:
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 9, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày09/02/2021 của Chính phủ: “1. Tổng mức đầu tư đã phê duyệt được điều chỉnh theo quy định tại khoản 5 Điều 134 Luật Xây dựng và điểm đ khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng” và khoản 4, khoản 5 Điều 15 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình: “4. Trường hợp dự toán xây dựng công trình điều chỉnh vượt dự toán đã phê duyệt nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì Chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh, báo cáo người quyết định đầu tư trước khi phê duyệt; 5. Việc điều chỉnh dự toán không vượt dự toán đã phê duyệt nhưng làm thay đổi cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng thì chủ đầu tư tự tổ chức điều chỉnh, phê duyệt, báo cáo người quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về kết quả điều chỉnh”.
- Tại Điều 5 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định nội dung tổng mức đầu tư bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng; theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, quy định dự toán xây dựng công trình bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng). Do đó, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với chi phí giải phóng mặt bằng điều chuyển sang chi phí khác chưa có cơ sở để triển khai thực hiện.”.
Trước tiên, Bộ Xây dựng trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã quan tâm, góp ý đối với lĩnh vực quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:
1. Trường hợp công tác giải phóng mặt bằng thuộc dự án đầu tư xây dựng:
Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 5 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; các trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng đã được quy định tại Điều 134 Luật Xây dựng và Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Nội dung dự toán xây dựng công trình được quy định tại Điều 11 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư). Việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 144/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Trường hợp công tác giải phóng mặt bằng không thuộc dự án đầu tư xây dựng, việc xác định, quản lý chi phí thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực rà soát, tổng kết, đánh giá để sửa đổi toàn diện nội dung của Luật Xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp ngay các nội dung phản ánh của cử tri để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý chi phí để đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân ngày càng tốt hơn.
Trên đây là trả lời của Bộ Xây dựng đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La. trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Xây dựng.