Ngày 13/3/2025, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành, hội, hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng là thành viên Hội đồng; lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận. Được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì hội nghị.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng kết luận hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP) cho biết, phạm vi lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né là 14.760ha. Trong đó, khu vực nằm trên địa bàn Thành phố Phan Thiết khoảng 6.625ha, khu vực nằm trên địa bàn huyện Bắc Bình khoảng 7.165ha, khu vực nằm trên địa bàn huyện Tuy Phong khoảng 970 ha.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế, điểm đến hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; tạo động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận nói riêng, quốc gia nói chung; xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, có cơ sở hạ tầng chất lượng cao, gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn; xây dựng cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để thu hút đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và nội dung của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, các định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bảo vệ và phát huy các giá trị đặc trưng văn hoá, kiến trúc và cảnh quan tự nhiên.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né được quy hoạch với tính chất là khu du lịch quốc gia phát triển du lịch hài hòa với phát triển đô thị; là trung tâm du lịch với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch gắn với đặc trưng cảnh quan và địa hình tự nhiên với các đồi cát đặc trưng; gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Chăm, văn hóa cộng đồng dân cư miền biển và các lễ hội truyền thống của địa phương.
Đồ án dự báo đến năm 2030, dân số Khu du lịch quốc gia Mũi Né đạt khoảng 200.000 người; nhu cầu sử dụng đất xây dựng các chức năng khoảng 9.909ha, trong đó đất phát triển dịch vụ, du lịch khoảng 1.773ha; cơ sở lưu trú đạt khoảng 41.000 phòng. Đến năm 2040, dân số Khu du lịch quốc gia Mũi Né đạt khoảng 300.000 người; nhu cầu sử dụng đất xây dựng các chức năng khoảng 12.986ha, trong đó đất phát triển dịch vụ, du lịch khoảng 2.884ha; cơ sở lưu trú đạt khoảng 71.500 phòng.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né được định hướng phát triển theo mô hình Một hành lang ven biển - 4 trung tâm - Đa hướng tiếp cận biển. Theo đó, tại Khu du lịch sẽ hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển có chiều dài 63km, theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, từ Phan Rí Cửa đến Phú Hài, là hành lang ven biển cũng như trục xương sống chủ đạo của khu du lịch quốc tế Mũi Né, kết nối các khu vực chức năng ven biển.
Bên cạnh định hướng không gian, Đồ án cũng đưa ra các định hướng về quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; định hướng về phát triển hạ tầng kỹ thuật; các dự án ưu tiên đầu tư; tổ chức thực hiện.

Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá Đồ án đã bám sát các yêu cầu tại Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng Đồ án, đơn vị tư vấn cần rà soát, cập nhật, bổ sung một số văn bản pháp lý có liên quan; đánh giá kỹ hơn tình hình thực hiện các dự án đã được phê duyệt; chú trọng tạo không gian công cộng hướng ra biển; tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng và kết nối các khu vực trong Khu du lịch; quan tâm phát triển làng nghề truyền thống trên địa bàn, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Kết luận hội nghị, Vụ trưởng Trần Thu Hằng tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng và đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc UBND tỉnh Bình Thuận tiếp thu đầy đủ; sớm hoàn thiện hồ sơ Đồ án để UBND tỉnh Bình Thuận trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.