Mục đích, yêu cầu của kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và nhiệm vụ chính trị của Bộ, đặc biệt là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; tạo chuyển biến trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được tổ chức triển khai thực hiện thực chất, bám sát nội dung, yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong điều kiện hiện nay.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động thực thi công vụ; phát hiện và nhân rộng các mô hình, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả; nâng cao trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật và năng lực áp dụng pháp luật gắn với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành.
Nâng cao ý thức “thượng tôn pháp luật” của các cấp ủy Đảng, Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, bảo đảm việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, chất lượng, hiệu quả; đa dạng hóa, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng, ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025. Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; chuyển đổi số; bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội... có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2025 hiệu quả, chất lượng theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thực pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật của Bộ. Rà soát đội ngũ báo cáo viên pháp luật Trung ương của Bộ để để nghị miễn nhiệm, công nhận báo cáo viên pháp luật theo quy định của pháp luật. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành và học sinh, sinh viên, học viên của các trường thuộc Bộ. Đăng tải thông tin pháp luật; duy trì thư viện tài liệu phổ biến pháp luật và cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Đồng thời thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức phù hợp được quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn như: Tổ chức hội nghị, hội thảo phổ biến giáo dục pháp luật (có thể tổ chức lồng ghép với hội nghị có liên quan); tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho công chức, viên chức trực tiếp thực thi nhiệm vụ; tổ chức hội nghị, cuộc thi tìm hiều viết bài, đăng bài về phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua báo, tạp chí ngành, Cổng, Trang thông tin điện tử của Bộ và các đơn vị; kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật về xây dựng với các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật khác nhằm đảm bảo phù hợp, hiệu quả và thiết thực; phổ biến pháp luật thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính…
Bộ trưởng đề nghị các Cục chuyên ngành thuộc Bộ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị mình để xây dựng, ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị cho phù hợp. Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi theo chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý đảm bảo hiệu quả, thiết thực và phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị. Báo cáo kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật định kỳ hoặc đột xuất (qua Vụ Pháp chế) để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.
Vụ Pháp chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025 của Bộ Xây dựng. Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và các cơ quan liên quan theo quy định về kết quả thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ.
Việc lập dự toán, bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật pháp luật của các đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật. - Nguồn kinh phí thực hiện từ kinh phí ngân sách nhà nước đã được phân bổ cho các đơn vị và chi theo chế độ quy định; nguồn kinh phí hỗ trợ khác theo quy định (nếu có).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.